Du học: Kinh nghiệm cho thanh niên xa mẹ (1)

DU HỌC: Kinh nghiệm cho thanh niên xa mẹ (1)

 

Biên soạn: Trần Tố Linh

 

Hi các em, series bài viết này cô dành để chia sẻ kinh nghiệm cho những bạn đang ấp ủ giấc mơ du học. Cô sẽ không nói về việc cách đăng ký, nộp hồ sơ du học vì cô không chuyên về nó. Ở đây chủ yếu là kinh nghiệm của cô và các bạn đi trước thôi nhé.

 

Phần A: Khi còn ở Việt Nam

1/ Ngoại ngữ: 

Các em có thể chọn học ngoại ngữ ở ngay tại trường của mình ở nước ngoài với giá học phí vô cùng đắt đỏ (ít nhất gấp 2 lần so với học sinh bản xứ) nhưng đổi lại các em sẽ có nhiều cơ hội để thực tập tiếng Anh hơn.

Với các bạn chi phí không dư giả thì cô đề nghị các em nên học tiếng Anh trước ở Việt Nam vì chi phí rẻ hơn rất nhiều mà chất lượng thì chưa chắc đã kém hơn các lớp ở nước ngoài. Nhưng cũng đừng quá ham rẻ mà chọn các khóa học kém chất lượng nhé. Band điểm cao mà kỹ năng chưa đến sẽ làm các em rất chật vật khi du học đấy.

Ví dụ: Một bạn học sinh chia sẻ với cô, một khóa học IELTS của trường bạn ấy ở Canada chưa bao gồm sách đã hơn $5000/3 tháng trong khi lúc bạn ở VN học IELTS ở các trung tâm lớn trong 3 tháng giá cũng chưa đến $700.

 

2/ Tìm trường

Với nhiều bạn như cô biết chỉ cần đi được là ok, không cần quan tâm mình học trường nào nên phó mặc hoàn toàn cho các trung tâm du học và rất nhiều bạn đã trả giá.

Phần lớn các bạn khi đi du học đều mong muốn có cơ hội ở lại làm việc sau khi ra trường một thời gian trước khi quyết định ở lại hay về nước, nhưng các bạn có biết rằng, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đánh giá và ưu tiên học sinh tốt nghiệp từ các trường điểm hơn là các trường bình thường dù giá trị bằng cấp có thể là như nhau? Rất nhiều bạn được các trung tâm du học giới thiệu cho các trường vẫn thuộc hệ thống trường công nhưng không được doanh nghiệp đánh giá cao để gia tăng tỉ lệ đậu hồ sơ. Cho nên khi chọn trường các em nên tham khảo các cách sau:

  1. Tra cứu xếp hạng các trường trên Google

  2. Tìm các nhóm du học sinh VN ở đất nước đó trên Facebook và hỏi ý kiến của các bạn đi trước về trường mà dự định các em muốn học.

Với các bạn đã lỡ học ở các trường không được danh tiếng, các em có thể liên hệ student service ở trường mình để chọn transfer qua các trường khác nhé.

Một lưu ý nhỏ nữa là các em nên keep track việc xét hồ sơ du học của mình đừng ỷ lại hoàn toàn vào các trung tâm, các trung tâm chỉ có thể giúp em chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, tư vấn và gửi hồ sơ chứ khó có thể theo dõi hồ sơ các em từng ngày được. Cô recommend các em sau khi nộp hồ sơ khoảng tầm 21 ngày (7 ngày chuyển hồ sơ – 14 ngày xét hồ sơ), các em nên gọi điện trực tiếp lên trường để hỏi về hồ sơ của mình nếu vẫn chưa nhận được quyết định từ trường. Trong trường hợp ngoại ngữ không được tốt thì nên có bạn nào giỏi ngoại ngữ giúp đỡ nhé. Gọi điện, các em có thể nạp tiền vào Google Handout để gọi.

Hãy chủ động trong việc tìm trường nhé.

 

3/ Chuẩn bị những gì trước khi đi? 

1/ Trang bị kiến thức cách dùng một vài loại thuốc phổ thông như:

  • Thuốc trị cảm lạnh, cúm, nhức đầu, ho, sổ mũi, đau bụng…

  • Thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi…

  • Trựu sinh, kháng sinh…

  • Cao dán, dầu xanh, dầu giảm đau, xoa bóp, salonpas…

Các em nên nhớ thuốc ở nước ngoài cực kỳ đắt.

2/ Trang bị kiến thức nấu ăn. Lưu ý, các em nên nghiên cứu kỹ xem liệu quốc gia mình đến học có cho phép mình đem theo các loại thịt, hoa quả, hương liệu của VN không? Đừng cố giấu vì nếu bị phát hiện ra các em sẽ gặp rắc rối rất lớn đấy.

3/ Ngoài quần áo hè, áo khoác các loại thì quần áo lạnh, với các em học ở các vùng có mùa đông lạnh, các em có thể đến khu vực chợ An Đông mua áo khoác lông vịt loại không thấm nước, đừng nghĩ qua bên ấy có thể mua được và thời trang hơn vì chi phí sẽ rất cao. Một chiếc áo khoác lông vịt hợp thời trang có thể có giá hơn $200 lận đấy.

4/ Một hoặc hai đôi giày có đế đinh (không phải giày của cầu thủ đá bóng nhé) đi tuyết và chống trơn trượt với các bạn học ở các vùng có mùa đông lạnh. Nếu không tìm ra các em có thể mua ở chuỗi cửa hàng Wallmart ở nước ngoài.

5/ Tìm và liên hệ với các nhóm du học sinh VN ở trường các em để tìm hiểu về thời tiết, nơi ở, phương tiện giao thông, các khu vực kém an ninh, và những gì các em còn thắc mắc…

6/ Tìm nơi ở, ở phần này, cô khuyên các em nếu được nên tìm hai ba bạn Việt Nam ở chung một căn apartment và share nhau tiền phòng như thế sẽ thoải mái hơn rất nhiều thay vì phải mướn basement vừa lạnh vừa không thoải mái mà giá cả cũng không rẻ hơn nếu đi ở share là bao nhiêu.

7/ Với các bạn cận nên đặt ngay 2 cặp kính loại tốt chống trầy khi còn ở Việt Nam. Một cặp kính ở nước ngoài loại tốt có thể charge các em đến hơn $700 đấy.

8/ Một cái balo loại lớn chống nước để đựng sách vở, laptop, dụng cụ học tập.

9/ Một cái máy tính Casio 570Es Plus mà mình hay dùng ở phổ thông (rất cần thiết nhé).

10/ Tinh thần: Các em phải chuẩn bị sẵn tinh thần cũng như đừng kỳ vọng quá nhiều vì sẽ rất dễ thất vọng.

 

Kết luận

Cuộc sống du học không hoàn toàn màu hồng nếu không nói là khá khắc nghiệt (nó chỉ màu hồng nếu như các em tài chính mạnh, có thể cover tất cả mọi thứ mà không phải lo lắng). Nhưng sống ở đâu cũng vậy, cuộc sống vốn khắc nghiệt, ở trong gia đình do có cha mẹ bảo bọc nên có thể các em chưa nếm trải được hết, nhưng khi đi du học, tự các em phải nếm trải, vượt qua tất cả và nhất là phải tự chăm lo hoàn toàn cho bản thân mình; chính những điều đó sẽ giúp các em trưởng thành và thành công.

Đọc phần 2

 

Chúc các em sớm đạt được ước mơ du học và thành công,

Trần Tố Linh

Giảng viên IELTS tại Bình Thạnh