DU HỌC: Kinh nghiệm cho thanh niên xa mẹ (2)
Biên soạn: Trần Tố Linh
Hi các em, series bài viết này cô dành để chia sẻ kinh nghiệm cho những bạn đang ấp ủ giấc mơ du học. Cô sẽ không nói về việc cách đăng ký, nộp hồ sơ du học vì cô không chuyên về nó. Ở đây chủ yếu là kinh nghiệm của cô và các bạn đi trước thôi nhé.
Phần B: Khi ở nước ngoài.
1/ Phương tiện đi lại chính:
Phần lớn các trường đại học, cao đẳng khuyến khích học sinh dùng phương tiện công cộng (bus, train) đến trường. Một số trường sẽ phát hành U-pass có chức năng giống như vé xe nhưng các em có thể dùng nó trong cả học kỳ với giá rất phải chăng.
Với một số bạn có khả năng mua xe thì cũng nên cân nhắc việc lái xe đến trường vì chi phí parking ở các trường thường rất đắt đỏ. Một bạn học sinh kể với cô về việc bạn tốn gần $2500 cho cả năm học chỉ cho chi phí gửi xe tại trường chưa tính đến các khoảng như bảo hiểm xe, tiền xăng.
Với việc chọn bus và train là phương tiện đi lại chính, các em nên lưu ý giờ của tuyến bus và train mà mình cần đi, và nên có mặt ở trạm dừng ít nhất 15 phút phòng trường hợp xe đến sớm. Vào mùa đông xe sẽ đến trễ hơn và cũng dễ delay nếu thời tiết quá xấu, nên đòi hỏi các em phải theo dõi sát sao tình hình giao thông vào các ngày bão tuyết nhé.
2/ Việc làm:
Tùy quốc gia khác nhau mà quy định về việc làm cũng khác nhau.
Part-time:
Với một số nơi, các em sẽ phải apply để xin work permit để có thể làm thêm ngoài giờ học. Cô chỉ muốn lưu ý các em những điểm chính sau đây:
- Hạn chế tối đa làm việc chui nhận tiền mặt khi các em chưa xin được work permit, các em hoàn toàn có thể bị chủ quỵt tiền mà không làm gì được. Về bản chất đây là một hình thức trốn thuế mà các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thường áp dụng; nếu bị phát hiện làm trốn thuế các em hoàn toàn có thể bị tước visa trong khi chủ chỉ phải chịu một khoảng phí phạt không đáng kể, đó là lý do nhiều bạn bị quỵt tiền mà không dám kêu ca gì.
- Không nên làm thêm vào năm nhất nếu các em chưa thể xác định được mình có thể cover tốt được cả việc học và việc làm. Ở năm nhất, các em sẽ phải học những kiến thức mới bên cạnh làm quen với các cách học cũng như cách thức tư duy mới, đặc biệt bài vở rất sát, nếu các em không làm quen được lại quá mê làm và việc học bị ảnh hưởng, các em sẽ mất visa du học.
Full-time:
Trong tầm 3-4 tháng nghỉ hè hoặc 2-3 tuần nghỉ Christmas, tùy theo quy định về việc làm ở nơi các em sống, mà các em có work permit thể làm việc full-time. Phần đa các bạn chọn làm việc trong các nhà hàng Việt Nam với mức lương khá căn bản cộng một khoản tips nhỏ, hoặc cũng có một số bạn dạn dĩ hơn, đi làm cho người bản xứ và được trả cao hơn.
Lưu ý:
Với những bạn đi du học tự túc, việc nhiều bạn nghĩ chỉ cần gia đình lo cho năm đầu các năm sau sẽ tự cày kiếm tiền học thì thật sự cô khuyên các em nên suy tính lại việc đi du học của mình.
Học phí một năm du học của các em bao gồm tiền học, sách vở và cả chi phi ăn ở, đi lại, thuốc men, etc. dao động tầm $30.000 – $35.000 (một số trường có tiếng có thể cao hơn) cho bậc dưới cao học. Với số tiền ấy, một công nhân full-time bản xứ với việc làm căn bản (như làm xí nghiệp) phải cần đến 1 năm hơn mới có được. Trong khi các bạn sinh viên đi làm cũng chỉ có thể được nhận ở những công việc căn bản do không có bằng cấp mà lại phải cố gắng giữ sức học tốt để giữ visa thì hoàn toàn là điều bất khả thi. Cũng có những bạn làm được nhưng con số này cực kỳ ít ỏi các em ạ, nên nếu trung tâm du học nào mà bảo các em thế thì đừng tin, hãy tìm hiểu ở những người đi trước ở các facebook group của du học sinh để tránh phải hối tiếc các em nhé.
3/ Việc học:
- Mỗi ngày các em sẽ có từ 2 – 4 tiết học với tối đa 2 tiếng cho 1 tiết và 40 tiếng cho một tuần. Học từ thứ 2-6.
- Mỗi 1 tiếng trên lớp đòi hỏi phải có 1 tiếng xem lại bài ở nhà.
- Giáo viên dạy rất nhanh trên lớp và đòi hỏi học sinh phải tự nghiên cứu chuyên sâu cho các vấn đề được dạy. Chỉ cần lơ là, các em sẽ bị bỏ lại phía sau ngay.
- Đừng quá tự tin vào khả năng toán hay tự nhiên của mình, các em sẽ nhận ra rằng có rất nhiều kiến thức đã được dạy ở phổ thông ở quốc gia đó nhưng lại không được dạy ở Việt Nam. Cách giải toán và ký hiệu cũng sẽ có một số không giống, nên đòi hỏi các em phải cực kỳ chú tâm, không lơ là, chủ quan.
- Ngoại ngữ tuy quan trọng, nhưng nó chỉ là công cụ để giúp các em hiểu và hoàn thành tốt bài tập mà thôi. Nên cô khuyên các em, trước khi vào học, nên dành thời gian vào thư viện, xem lại các tài liệu bằng để nắm vững các định nghĩa bằng ngôn ngữ mới nhé. Bật mí cho các em nhé, ở IELTS Tố Linh, từ khóa này, các bạn chuẩn bị đi du học đều sẽ được tặng kèm các bộ sách để giúp ôn lại kiến thức bằng tiếng Anh đấy.
- Liên hệ với academic support office của trường để hỗ trợ mỗi khi các em gặp vấn đề về bài tập.
- Liên hệ với student service nếu các em có vấn đề trong việc học.
4/ Những điều cần lưu ý khác:
- Culture shock hầu như bạn du học sinh nào cũng gặp vấn đề này. Cuộc sống du học rất cô đơn và buồn, một phần do khác biệt văn hóa, một phần khác là do những khó khăn và áp lực quá lớn trong việc học và công việc rất dễ làm các bạn chán nản buông xui, muốn quay về và sống cuộc sống được trước kia. Có nhiều bạn nhớ nhà và gia đình nên thời gian đầu đêm nào cũng khóc. Nhưng hãy vững tâm các em nhé, vượt qua được các em sẽ trưởng thành hơn rất nhiều. Các trường cũng có international student office là nơi các em có thể tìm đến và giải bày những khó khăn, tâm sự của mình
- An toàn: Các em đừng ngạc nhiên nếu thấy security trong trường được trang bị cả súng và còng tay. Thực tế, có rất nhiều mối nguy hại các em có thể gặp ngay chính trong campus. Nên cô khuyên các em, đặc biệt là các bạn nữ, nên hạn chế đi đến các nơi vắng vẻ một mình, nên đề phòng bằng việc trang bị một cây còi nhỏ bằng kim loại (các em có thể mua ở VN) để kêu cầu cứu khi bất trắc. Một số trường có dịch vụ safe walk để đưa học sinh học đêm ở trường ra đến trạm xe đấy các em.
- Các số điện thoại cần lưu:
- School:
- Safe-walk
- Security
- Emergency
- Police
- Ambulance
- School:
- Sức khỏe: Với những bạn học ở những vùng lạnh có nhiệt độ mùa đông dưới 0 độ thì nên chú ý giữ ấm cơ thể và giữ gìn sức khỏe của mình. Các trường đại học, cao đẳng ở nước ngoài phần nhiều được thiết kế giống với Việt Nam, gồm những tòa nhà cho những phân khoa khác nhau, nên việc di chuyển ngoài trời vào mùa đông là khó tránh khỏi. Các em phải chú ý đi cẩn thận, băng từ tuyết tan có thể gây trơn trượt rất dễ té gây chấn thương.
- Thời tiết: Ở một số nơi mà khí hậu bốn mùa rõ nét như ở vùng trung tây và bờ đông của Mĩ và Canada, thời tiết giao mùa hay thay đổi đột ngột rất dễ bệnh. Vào những hôm trời tuyết, các em chú ý mặc áo lạnh dày có nón và chống nước nhé.
- Hoạt động ngoài lớp học: Có rất rất nhiều các hoạt động ngoài lớp học để giúp các học sinh xả stress như snowball fighting, winter Olympic, parties sẽ giúp các em cân bằng lại và tìm được nhiều bạn mới.
- Mua sắm: Thuộc lòng câu thần chú sau nhé: Mùa hè mua đồ mùa đông và mùa đông mua đồ mùa hè. Đây là cách tiết kiệm chi phí mua sắm quần áo tốt nhất đấy các em.
- Thẻ ngân hàng: Một trong những việc quan trọng đầu tiên mà các em nên làm khi ở nước ngoài đó là mở thẻ ngân hàng nhé. Có 2 loại thẻ cần phải mở là debit và credit (visa, master) card. Luôn luôn có những loại thẻ free annual fees for student để các em lựa chọn nhé.
- Ngôn ngữ: Một số bạn khi mới qua trong khoảng 2, 3 tháng đầu gặp một vài khó khăn khi giao tiếp với người bản xứ dù điểm IELTS các em khá cao. Cái này không phải là do các em kém đâu, mà là do các em cần thời gian để làm quen accent và hiểu slang của người bản xứ. IELTS hay TOEFL đều là academic English chỉ giúp các em thành công trong môi trường đại học và làm việc chuyên nghiệp thôi. Còn 70% giao tiếp đời thường bằng informal language, mà cái này thì chẳng giáo viên nào hướng dẫn các em được, vì mỗi vùng, mỗi quốc gia khác nhau sẽ có cách dùng ngôn ngữ, cụ thể là English, khác nhau. Nên cứ từ từ, sau một thời gian các em sẽ quen dần thôi.
- Sách học: Sách học là một trong những khoảng rất tốn kém. Một học kỳ 4 môn, tiền sách có thể hơn $1000. Để giảm chi phí, các em có thể tham khảo các cách sau:
- Mua used book (giá thường rẻ hơn tầm 30% tùy chất lượng nếu mua tại book store của trường hoặc hơn nếu các em liên hệ được với các anh chị khóa trước)
- Mua sách paper cover, hard cover thường đắt hơn tầm 50 – 75%
- Tham khảo trên Amazon, Ebay,
- Ebook, nhưng các em phải giấu cẩn thận, đừng để giáo viên thấy nếu không các em sẽ gặp rắc rối vì luật copy right của trường đấy.
Kết luận
Cuộc sống du học không hoàn toàn màu hồng nếu không nói là khá khắc nghiệt (nó chỉ màu hồng nếu như các em tài chính mạnh, có thể cover tất cả mọi thứ mà không phải lo lắng). Nhưng sống ở đâu cũng vậy, cuộc sống vốn khắc nghiệt, ở trong gia đình do có cha mẹ bảo bọc nên có thể các em chưa nếm trải được hết, nhưng khi đi du học, tự các em phải nếm trải, vượt qua tất cả và nhất là phải tự chăm lo hoàn toàn cho bản thân mình; chính những điều đó sẽ giúp các em trưởng thành và thành công.
Chúc các em sớm đạt được ước mơ du học và thành công,
Trần Tố Linh
Giảng viên IELTS tại Bình Thạnh