Học và luyện thi Ielts với mỗi bạn là một điều không hề đơn giản. Bên cạnh việc dành thời gian để học và luyện thi IELTS tại nhà, các bạn phải lo lắng với vô số thứ khác: học ở trường, một số bạn lại đi làm thêm, tham gia câu lạc bộ, … Thế nên, làm sao để tận dụng thời gian hiệu quả, ôn luyện IELTS tại nhà ngay khi có thể và tốn ít công sức nhất?
Hạn chế dùng mạng xã hội ít nhất có thể
Facebook là một trong các nhân tố chiếm hầu hết thời gian của các bạn. Các bạn hãy cai nghiện thói quen này lại, chỉ dùng Facebook cho mục đích học: dạo quanh các fanpage cập nhật từ vựng, tài liệu, sang các group lắng nghe các chia sẻ, giải đáp những thắc mắc, tham gia các cộng đồng cùng viết và sửa bài, theo dõi các bài giảng trực tuyến.
Tích hợp ôn luyện các kỹ năng mỗi ngày
a) Hãy đọc mọi lúc mọi nơi, mọi khoảng thời gian có thể. Bạn có thể đọc thông qua sách, báo, truyện, đọc online hay đọc các biển hướng dẫn bằng tiếng anh ở bất kì nơi đâu. Không những gia tăng kiến thức, bạn còn có thể nâng cao khả năng đọc hiểu đấy.
b) Luôn luôn nghe các audio, sách nói hay các clip tiếng anh khi làm việc nhà, đi xe bus hay chờ một ai đó. Đừng để thời gian trôi qua một cách vô ích. Việc nghe các audio thay vì nghe nhạc cũng giúp bạn tăng một lượng từ vựng kha khá đấy. Ngoài ra, việc nghe thường xuyên giúp bạn làm quen accent, ngữ âm, tốc độ nói và cũng quen dần với độ dài bài nghe.
c) Luyện phát âm theo các clip bài giảng hay tập nói theo các bài mẫu, tự ghi âm lại giọng mình để lắng nghe và có những điều chỉnh phù hợp. Dạn dĩ bắt chuyện với người nước ngoài, tham gia các câu lạc bộ nói tiếng anh để có những trao đổi và rèn luyện khả năng nói lưu loát, nối âm và tự nhiên như người bản xứ.
d) Có một quyển sổ nhỏ phân theo chủ đề như travelling, environment, education, … phân theo mục: cấu trúc hay, lỗi cần tránh, … Ghi chú lại mọi điều hay ho mà mình đã đọc qua theo từng mục để sau này tìm lại dễ hơn, có thể là những thông tin mới, quote hay, số liệu thực tế hay cách sử dụng từ, cấu trúc hay, cách triển khai luận điểm.
e) Kỹ năng nói và viết là hai kỹ năng được sinh ra trong quá trình nghe, đọc. Vì thế, hãy tích hợp mọi thứ để hiệu quả cao hơn, tiết kiệm thời gian và ít tốn công sức. Khi đọc được các luận điểm, cấu trúc, từ vựng hay, hãy viết ngay và tham gia vào các group để cùng bàn bạc, sửa chữa. Khi nghe hay tập phát âm và nói theo để mọi thứ được chuẩn xác hơn.
f) Chú ý khi viết, mọi thứ mình giải quyết đều phải nêu ra ở mở bài. Khi viết một câu, cần phân định các chức năng chủ ngữ, vị ngữ rõ ràng, xem lại chia động từ để tránh mất điểm không đáng. Tốt nhất là nên dùng câu ghép, đa dạng cấu trúc, tránh lặp lại từ ngữ. Viết xong hãy dành thời gian đọc lại lần nữa xem có dư từ nào không hay ngắt câu phù hợp chưa.
Sử dụng từ điển
Tải sẵn các app từ điển oxford, cambridege, thesaurus, collocation vào điện thoại, hoặc có thể lên mạng tra trực tiếp cho đỡ tốn bộ nhớ điện thoại. Việc này sẽ nhanh hơn hẳn việc bạn tra bằng từ điển giấy đấy. Trước khi muốn viết một từ gì, bạn phải tra cho thật chuẩn xác rồi mới sử dụng, để có thể nhớ chính xác từ mà sử dụng về sau.
Sử dụng google.co.uk
Đây là một trong những điều hay ho bạn nên khám phá, bạn có thể chọn tổ hợp các từ bất kì để search và xem các cách diễn giải có liên quan.
Học 5 từ mỗi ngày
Bạn tôi ơi, đừng quá tham lam trong việc học từ vựng, bởi theo cơ chế sinh học tự nhiên, học rồi cũng sẽ quên, không ai có thể nhồi nhét mọi thứ vào đầu mãi được. Bạn chỉ nên học 5 từ mỗi ngày, không phải học theo cách cứ viết lê thê 50 lần từ ấy ra rồi viết nghĩa, như thế không hiệu quả. Thay vào đó, bạn hãy học và nhớ 5 từ ấy thông qua các ví dụ, trò chơi thay thế từ bằng từ đồng nghĩa và tự mình viết một câu có từ đó, như thế bạn sẽ nhớ lâu hơn. Sau này ví dụ có quên, bạn cũng chỉ cần nhìn lại câu mình đã tự viết có chứa từ ấy, thế là nhớ lại ngay thôi.