[SPEAKING] 4 tiêu chí chấm điểm bài thi Speaking

Người xưa có câu “Biết người biết ta, Trăm trận trăm thắng”, có nhiều bạn khả năng giao tiếp bằng tiếng anh cực kỳ tốt, thế nhưng đến khi đi thi IELTS Speaking thì điểm lại không như mong đợi. Vậy nguyên nhân là từ đâu? Đó chính là do các bạn chưa hình dung ra được cấu trúc bài thi IELTS cũng như các tiêu chí chấm điểm trong 1 bài thi hoàn chỉnh để từ đó có những chiến thuật học tập thật tốt cho kì thi của mình. Chính vì thế, để giúp các bạn nắm rõ hơn các điều cần biết về kỳ thi IELTS, hôm nay cô sẽ chia sẻ cho các bạn 4 tiêu chí chấm điểm phần thi Speaking- một trong bốn kỹ năng IELTS được chính các ban giám khảo chấm thi chia sẻ qua nhiều kì thi.

Các tiêu chí chấm điểm IELTS Speaking

 

Mức độ lưu loát và mạch lạc (Fluency and Coherence)

Mức độ lưu loát gồm 3 yếu tố:

  • Tốc độ nói: Tốc độ nói là yếu tố hàng đầu khi xét tiêu chí trên. Nói từ tốn vừa đủ đề các em nghĩ câu trả lời và dịch sang tiếng Anh, đồng thời cũng giúp giám khảo dễ dàng nghe câu trả lời của các em. Hơn thế nữa, nói mạch lạc và trôi chảy cũng rất quan trọng. Các em cần có khả năng nói liên tục trong khoảng thời gian dài trả lời câu hỏi mà ít khi bị vấp, sử dụng uhm, uh..nhiều.
  • Độ dài câu trả lời : Ngoài tốc độ, giám khảo còn yêu cầu thí sinh có những câu trả lời với độ dài tương đối, phù hợp với từng phần thi.

VD: Do you like your hometown?
Yes, of course.

Các em đã mất điểm nếu trả lời câu hỏi trên như vậy bởi đơn giản độ dài câu hỏi và nội dung trong đó chưa đáp ứng được nhu cầu của người nghe. Trong part 1, câu trả lời không cần quá dài nhưng cũng không phải trả lời cụt ngủn trong trọn vẹn 3 từ như vậy.

  • Độ mạch lạc: Độ mạch lạc là khả năng trả lời đúng trọng tâm câu hỏi và mở rộng và phát triển câu trả lời bằng việc thêm các ví dụ minh họa hay giải thích để làm rõ ý. Đặc biệt là các ý được liên kết bằng các từ hay cụm từ nối phù hợp, giúp người nghe dễ hiểu.

Lưu ý: lưu loát không có nghĩa là quá nhanh hay quá dài, đây là quan niệm sai lầm! Bạn chỉ cần diễn dạt rõ ràng và trả lời trực tiếp vào nội dung câu hỏi, không nên nói “vòng vo Tam Quốc”, đây là lỗi rất hay thường gặp do văn hóa của người châu Á!

Nguồn từ vựng (Lexical Resource)

Tiêu chí này liên quan tới việc bạn sử dụng vốn từ vựng phong phú và chính xác khi trình bày các chủ đề khác nhau. Ngoài ra, nếu bạn có khả năng giải thích được 1 khái niệm mà bạn không biết từ hay cụm từ chính xác bằng tiếng Anh cũng được giám khảo đánh giá cao theo tiêu chí này. Lỗi mà thí sinh thường phạm phải là dùng từ tiếng Anh không chuẩn và chính xác do ảnh hưởng của thói quen dịch từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng Anh. Đây là lỗi gặp nhiều nhất trong kỹ năng Speaking!
Ngoài ra, các em nên biết sử dụng từ đúng văn cảnh, ngữ nghĩa, không dùng linh tinh, thiếu chính xác, gây hiểu nhầm người nghe.
VD: Cùng một trạng thái happy, nhưng khi bạn dùng Rất vui: Excited, cheerful, joyful, on cloud nine,..và Vui bình thường: pleased, content, Glad..
Hay cả “happy” và “jubilant” đều có nghĩa hạnh phúc, vui vẻ nhưng “happy” là trạng thái hài lòng, thỏa mãn khi các em làm hay có một cái gì đó bạn thích. Còn “jubilant” là hài lòng, hạnh phúc khi các em đạt được 1 thành công quan trọng.
Bên cạnh đó, giám khảo còn đánh giá khả năng giải thích những từ mà em không tìm được trong tiếng anh và em nói theo cách hiểu của em.

*Các điểm cần lưu ý

  • Tránh dùng các từ hay cụm từ quá quen thuộc hay quá bình thường, ví dụ: I like, I think, beautiful, delicious …
  • Đối với tính từ, hãy cố gắng học thuộc các cặp và sử dụng theo cặp để tạo nhịp điệu khi nói, ví dụ: tasty and yummy; considerate and thoughtful…
  • Nên dùng cụm từ thay cho các tính từ hay động từ mà bạn cảm thấy khó phát âm lưu loát, ví dụ: “fit in with” thay cho “adapt to”…
  • Có thể dùng các tính từ tận cùng là “-y” khi mô tả con người, sự vật, hay sự việc trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ: “handy” thay cho “convenient”; “wordy” thay cho “talkative”…

Sử dụng cấu trúc câu đa dạng và chính xác (Grammartical Range and Accuracy)

Tiêu chí này đánh giá các cấu trúc câu mà bạn dùng khi trả lời câu hỏi của giám khảo. Cụ thể là các bạn không nên dùng toàn câu đơn mà nên sử dụng càng nhiều câu nhiều mệnh đề hay câu phức càng tốt. Đặc biệt, các bạn phải tránh phạm các lỗi về thì (tense) và các lỗi ngữ pháp (grammar) cơ bản.

Cách phát âm (Pronunciation)

Bạn phát âm giọng Anh (British English), Mỹ (American English) hay Úc (Australian English) đều được cả, miễn sao không phải Vietnamese English là được! =))
Bài thi IELTS Speaking không đòi hỏi thí sinh phải phát âm như người bản ngữ nhưng cần phát âm chuẩn, rõ ràng và dễ hiểu.
Tiêu chí này bao gồm :

  • Phát âm các nguyên âm (vowel) và phụ âm (consonant) của từ 1 cách chính xác
  • Nhấn đúng trọng ấm (stress)
  • Có ngữ điệu (intonation), có nghĩa là không nói giọng đều đều mà có ngữ điệu, nhịp điệu lên xuống phù hợp
  • Không nói quá nhanh hoặc quá chậm và lưu ý phải ngắt giọng đúng chỗ.

Để đáp ứng các tiêu chí phần Pronunciation, các bạn phải luyện cách phát âm chuẩn. Đây cũng là bước đầu tiên các bạn cần chú ý khi luyện kỹ năng Speaking. Không phát âm chuẩn, xem như quá trình giao tiếp với người bản ngữ thất bại! Vì sao? Đơn giản là vì khi bạn phát âm không chuẩn thì họ sẽ không hiểu bạn đang nói gì, và ngược lại, người bản ngữ phát âm chuẩn nhưng các bạn lại nghe không ra họ đang nói gì!
Các em cần có khả năng phát âm chính xác các từ trong khi nói, ngoài ra, các em cần phải biết quy tắc nối âm và vận dụng trong khi nói, như vậy, các em sẽ nghe giống người bản xứ nói và vì thế mà điểm của các em cũng được nâng cao rất nhiều
Ngoài ra, các em cần có khả năng đánh trọng âm tốt. Phần lớn người Việt gặp khó khăn trong phần này do tiếng Việt không có trọng âm, chúng ta chỉ có các thanh âm là các dấu. Vì vậy, nếu muốn đạt điểm trong phần này, các em cần phải luyện tập nhiều. Trọng âm thôi chưa đủ, các em cần tạo ra âm điệu, cách lên xuống nhịp nhàng, đúng ngữ cảnh và nội dung các em muốn đề cập/ nhấn mạnh. Ngữ điệu ở đây bao gồm cho cả từ và câu.

Đừng để khó khăn làm nản chí chúng ta nhé! Các em hãy vào với tài liệu Speaking for IELTS để nắm ngay các bí kíp ôn luyện, các chủ đề phổ biến, các dạng bài tập cũng như bài giảng đã được Linh biên soạn để các em đạt được kết quả như mong muốn nhé!

Chúc các em học thật tốt!

Trần Tố Linh